Doanh nghiệp cần mua đất khi thực hiện dự án thương mại

nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-can-mua-dat-khi-thuc-hien-du-an-thuong-mai-4535677.html

‘Doanh nghiệp cần mua đất khi thực hiện dự án thương mại’

Theo đại biểu Tô Văn Tám, không nên thu hồi đất cho dự án kinh tế – xã hội thương mại đơn thuần, doanh nghiệp cần thương lượng với người dân để mua đất.

Sáng 14/11, thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi tại Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) nói, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu bị thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích cộng đồng, nhà nước. Người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người.

“Nếu Nhà nước thu hồi đất của chủ thể này trao cho chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính, sẽ tiềm ẩn nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân”, ông Tám nói, nhấn mạnh rằng “thu hồi áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt cũng sẽ tạo kẽ hở cho vụ lợi, lợi ích nhóm”.

Cho rằng quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng là rất rộng, ông Tám đề xuất Nhà nước chỉ thu hồi đất với những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội mang tính chiến lược, quyết định sự phát triển một vùng, khu vực, cả nước; hoặc công trình công cộng.

Các dự án phát triển kinh tế – xã hội đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì doanh nghiệp phải thương lượng với người sử dụng đất để mua hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng, chính quyền cần tham gia với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội

Chung ý kiến, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) nói, Hiến pháp quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện thật cần thiết theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

“Điều đó có nghĩa là dù thu hồi đất cho mục đích gì thì phải đảm bảo yếu tố thật cần thiết và luật phải quy định, tuy nhiên, dự thảo chưa thể hiện được điều này”, bà Hoa nói, cho rằng việc tự thuyết minh về sự “thật cần thiết” của từng dự án dễ dẫn đến thực hiện theo ý muốn chủ quan, lạm dụng thu hồi đất tràn lan.

Thực tế, nhiều dự án sau khi được thu hồi đất thì 10 năm sau chưa triển khai, hoặc triển khai dang dở, không giữ được mục đích của thu hồi đất ban đầu. Yếu tố “thật cần thiết” vừa qua cũng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm. Vì vậy, bà đề nghị luật quy định các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “thật cần thiết” theo đúng Hiến pháp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Media Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của ba bên gồm Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất vì họ ở thế bị động.

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đánh giá Luật Đất đai 2013 có hạn chế là chưa làm rõ thế nào là dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo luật sửa đổi đã khắc phục được tồn tại này, song chưa đáp ứng đầy đủ định hướng của Nghị quyết 18 Trung ương. “Quy định chưa rõ ràng về mục đích Nhà nước thu hồi đất dễ bị áp dụng chủ quan, tùy nghi”, ông Minh nói.

Theo ông, dự thảo luật nêu dự án đô thị, dự án dân cư nông thôn, nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18. Nghị quyết yêu cầu, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Khác với các ý kiến trên, đại biểu Phan Thái Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam) đề nghị xem xét thấu đáo cơ chế doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận. “Cần quy định tự thỏa thuận ở giới hạn, mức độ nào, thỏa thuận về vấn đề gì”, ông nói.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, quan điểm của Trung ương phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá). Tuy nhiên trong đó cần thống nhất một mức giá theo quy định của Nhà nước để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Đại biểu Phan Thái Bình. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Phan Thái Bình. Ảnh: Media Quốc hội

Tranh luận, ông Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng cho rằng doanh nghiệp thoả thuận được với người dân thì rất tốt, song thực tế ở địa phương khó thực hiện, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra số tiền rất lớn nhưng không thực hiện được dự án. Nguyên nhân là người dân đòi giá đền bù rất cao, cao hơn so với người được đền bù trước đó, có người giá nào cũng không chịu.

“Giá thoả thuận cũng gây mâu thuẫn vì có người được trả cao, người được trả thấp. Hơn nữa, khi thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần có mặt bằng sạch nhưng với cơ chế thoả thuận thì sẽ rất khó thực hiện”, ông Vận nói.

Theo ông, dự luật cần quy định Nhà nước thu hồi đất, nhưng giá đền bù phải đảm bảo lợi ích của ba bên là Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983.279.455

Chat Facebook
Gọi điện ngay