Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam sẽ cho ý kiến trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có diện tích sử dụng đất từ 05 ha đến dưới 10 ha đối với khu vực đô thị, từ 10 ha đến dưới 20 ha đối với khu vực nông thôn; dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 100 hộ đến dưới 500 hộ dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký Quyết định số 2131/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 về việc ban hành Hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ảnh minh họa.
Theo đó, đối với dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây phải có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trước khi UBND tỉnh hoặc Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có ý nghĩa chính trị – xã hội quan trọng; dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, bảo vệ rừng; dự án thủy điện; dự án có tác động lớn đến môi trường, cảnh quan và kinh tế – xã hội; dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển, sản xuất chất độc hại, chất nổ; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; dự án sử dụng quỹ đất mà trong lòng đất có tài nguyên khoáng sản hoặc có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; dự án có diện tích sử dụng đất từ 10 ha trở lên đối với khu vực đô thị, từ 20 ha trở lên đối với khu vực nông thôn; dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 500 hộ dân trở lên; các dự án quan trọng khác theo đề nghị của Bí thư, các Phó Bí thư Tỉnh ủy hoặc của cấp ủy Đảng trực thuộc.
Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có diện tích sử dụng đất từ 5 ha đến dưới 10 ha đối với khu vực đô thị, từ 10 ha đến dưới 20 ha đối với khu vực nông thôn; dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 100 hộ đến dưới 500 hộ dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng quy định, đối với các dự án thuộc trường hợp phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành Trung ương liên quan tại bất kỳ các bước thủ tục nào của Hướng dẫn này thì các Sở, Ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Sau khi có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền mới được thực hiện các bước thủ tục tiếp theo,…
Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/quang-nam-du-an-nao-phai-xin-y-kien-tinh-uy-truoc-khi-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-30069.html