Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi. Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài chỉ ra nhiều kẽ hở trong Luật Đất đai 2013.
Mới đây (ngày 1.5), Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi. Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực, chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất, giảm thiểu sai phạm.
Rà soát các dự án, đề án ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo động lực thực sự cho phát triển. Tránh đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp. Có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hợp pháp cho sự phát triển của ngành, phát huy tinh thần “tự lực tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình”.
Cần xử lý nhiều lỗ hổng
Trước đó, Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài “Bịt kẽ hở trong Luật Đất đai” phản ánh về vấn đề Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm có hiệu lực đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy sinh.
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều nội dung chồng chéo với các luật khác như Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.
Đơn cử như quy định tại Luật Đất đai 2013 các dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu sau 24 tháng đã gia hạn mà đất đó vẫn bị “treo” thì Nhà nước sẽ được thu hồi cả đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên, quy định thu hồi tài sản đã đầu tư trên đất lại vi phạm Hiến pháp 2013 vì tài sản này được hình thành đúng pháp luật đầu tư nên Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản của nhà đầu tư. Chính bất cập này dẫn đến việc xử lý các dự án “treo” trên thực tế khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 còn nhiều những bất cập cần phải xử lý trong các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội – cho rằng, để hoàn thiện về Luật Đất đai năm 2013 có nhiều vấn đề nhưng trước mắt cần sửa đổi nội dung khoản 2 Điều 19 của luật này. Cụ thể, cần chú trọng đến những quy định về điều tiết phần chênh lệch về địa tô do việc chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra.
Thực tế trong việc thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hiện nay (đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, xây dựng khu nhà ở thương mại); người bị thu hồi đất chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp (thông thường giá đất này rất thấp, chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/m2). Sau đó, diện tích đất này được giao cho các công ty kinh doanh xây dựng nhà ở. Họ tiến hành san lấp nền và xây dựng nhà để bán. Mỗi mét vuông đất lúc này có giá trị lên đến vài triệu hoặc vài chục triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phân tích, từ năm 2016 – 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên từ 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa.
“Hiện nay, luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ” – ông Đặng Hùng Võ nói.
Hiến kế cho một cơ chế về đất đai được bổ sung, hoàn thiện hơn, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm các cơ quan soạn thảo luật cần nhìn rõ thực tế, phải nhận thấy các bất cập để sửa đổi bởi Luật Đất đai giữ một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và thay đổi nhưng bất cập chính là tạo đột phá trong cải cách thể chế.